Chiều ngày 5/12/2021 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp” năm 2021 với chủ đề: Tiếp biến văn hoá – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức hỗn hợp (hybrid) giữa trực tiếp, trực tuyến và thực tế ảo. Sự kiện là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tại Diễn đàn, anh Lê Tấn Phước – Chủ tịch HĐQT Searefico – điều phối buổi tọa đàm phiên 2 với nội dung Vaccine Văn hóa Doanh nghiệp trước đại dịch Covid 19 với 3 câu hỏi trọng tâm:
1. Thời gian qua khi dịch bùng phát mạnh, TPHCM và nhiều tỉnh trên cả nước bị phong tỏa, nhiều Công ty phải tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, dẫn đến việc phải cắt giảm nhân sự và quỹ lương. Kết quả là ở một số doanh nghiệp nhiều nhân viên đồng cảm và đồng lòng với lãnh đạo, không chỉ ở lại mà còn nỗ lực cùng công ty vượt khó. Ngược lại cũng có doanh nghiệp khi cắt giảm lương thưởng thì nhân viên lại nhảy việc. Hay nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp chính là lá chắn chống biến động nhân sự và chảy máu chất xám. Ở chiều ngược lại, văn hóa doanh nghiệp cũng giúp thu hút nhân tài, nâng cao thương hiệu của nhà tuyển dụng cũng như uy tín của công ty trên thương trường. Vậy theo Anh/Chị thì tố chất, giá trị, sự khác biệt hay đặc nét văn hóa nào có vai trò như liều vaccine tạo ra kháng thể giúp công ty Anh/Chị vững vàng vượt qua đại dịch với tổn thất ít nhất nhưng gặt hái được nhiều bài học cho tương lai khi nhân loại bước vào thời kỳ bình thường mới chung sống với Covid?
2. Tiếp biến văn hóa được hiểu như một quá trình, bao gồm cả cách thức chúng ta tiếp cận, chấp nhận và quản lý sự thay đổi về tập quán, văn hóa kinh doanh, môi trường làm việc (mà trong ngữ cảnh này là làm việc từ xa hoặc hybrid working). Đai dịch Covid xảy đến trong môi trường kinh doanh VUCA cùng với xu hướng số hóa và công nghệ 4.0 đã lảm đảo lộn mọi suy nghĩ và thói quen của chúng ta, đặt doanh nghiệp trước một ngã ba đường: thay đổi để tiến lên, bứt phát tạo khoảng cách với đối thủ cạnh tranh, hay trở về vị trí đằng sau vạch xuất phát. Thực tế nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội để tái tạo và phát triển tổ chức theo hướng tích cực trong tâm thế sẵn sàng thay đổi, họ thực hiện một loạt những can thiệp có chủ đích với lộ trình và mục tiêu cụ thể để tạo ra một phiên bản mới của chính mình. Nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ tìm cách “đối phó”, chỉ làm sao giảm thiểu thiệt hại tồn tại chờ cho hết dịch hơn là nhận ra một cơ hội trăm năm cho “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Các Anh/Chị có thể chia sẻ ngắn gọn về câu chuyện của doanh nghiệp của mình hay không, và đằng sau câu chuyện đó là những cái nhìn sâu sắc thú vị nào mà Anh/Chị đúc kết được trong thời gian vừa qua?
3. Chính Phủ cần làm gì với vai trò “Bà đỡ” của doanh nghiệp, giúp văn hóa doanh nghiệp trở thành “hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội”?
Những câu hỏi được thiết kế không chỉ để nghe quan điểm của các diễn giả mà còn chia sẻ câu chuyện thực tế ở chính doanh nghiệp của các diễn giả, lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý ban ngành hay nhà nghiên cứu đều muốn lắng nghe.
Diễn giả của Phiên 2 gồm các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp lớn như:
- Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet Corporation)
- Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)
- Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)
- Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam
- Bà Trần Trâm Anh, Tổng Giám Đốc Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú
Tiếp biến văn hóa sẽ ảnh hưởng thế nào đến phục hồi kinh doanh
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đã có những chia sẻ về các giá trị cốt lõi được kiến tạo và bồi đắp xuyên suốt lịch sử phát triển của Petrovietnam là “Khát vọng – Tiên phong – Bản lĩnh – Nghĩa tình”. Cùng với những giá trị đó, việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa chính là mấu chốt của chiến lược phát triển bền vững của Petrovietnam. Chính bản sắc văn hóa đó là liều vaccine mạnh mẽ giúp Petrovietnam vượt qua khó khăn, thách thức trong những thời gian qua.
Trong bối cảnh hai năm qua gồng mình vượt qua đại dịch, bà Trần Trâm Anh, TGĐ Vùng Công ty TNHH Coats Phong Phú chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch, văn hóa cũng như một vaccine “tiêm” vào cơ thể doanh nghiệp:
Chúng tôi luôn xem yếu tố con người là trái tim của doanh nghiệp, trái tim khỏe thì doanh nghiệp khởi sắc, bị lệch nhịp thì chệch choạc.
Từ khóa “yêu thương và trách nhiệm” chính là cốt lõi, tạo bản lĩnh để doanh nghiệp của ông vượt qua mọi thách thức, đồng thời lan tỏa những giá trị đó tới cộng đồng. Đó là ý kiến của ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Nhớ lại một sự kiện về văn hoá doanh nghiệp diễn ra ba năm về trước, lúc đó, ông Lê Trí Thông mới đảm nhiệm chức vụ CEO của PNJ đã nhắc đến chữ “nhân” là con người khi nói về cốt lõi của câu chuyện văn hoá doanh nghiệp ở PNJ. Trong đó, ông Thông nhấn mạnh tình yêu thương và trách nhiệm đã tồn tại trong cơ địa của đội ngũ nhân sự doanh nghiệp này.
Với cơ địa đó, khi con người PNJ được chích các kháng nguyên thì kháng thể sẽ tự sinh ra, con người càng đoàn kết chặt chẽ.
Những khi có chỉ thị mới, người lãnh đạo của PNJ nhiều lúc phải thức trắng đêm để quan sát tình hình và viết tâm thư gửi cho nhân sự để trấn an và động viên tinh thần. Công ty không cắt lương của nhân viên. Đồng thời, PNJ thực hiện lan toả tình yêu thương ra cộng đồng trong mùa dịch với các chương trình CSR mà nổi bật trong đó là chương trình Siêu thị Mini 0 Đồng.
Có cùng ý kiến, Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh khẳng định, nói đến văn hoá chắc chắn phải nói đến con người bởi sức mạnh của nguồn nhân lực tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Deloitte quan điểm, văn hoá là sức mạnh nội sinh bên trong để doanh nghiệp phát huy được sức mạnh và phát triển bền vững. Đáng chú ý, toàn bộ đội ngũ công ty này thực hiện chia sẻ niềm tin như một giá trị cốt lõi. Đó là niềm tin vào các mục tiêu phát triển, vào sự phát triển của đội ngũ và của từng cá nhân, tạo nên tính kiên tâm trong ban lãnh đạo doanh nghiệp và trong từng con người của Deloitte, lan toả đến các cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mà bà Thanh tham gia. Khi doanh nhân, doanh nghiệp có sự kiên tâm và chia sẻ niềm tin, họ sẽ kết nối để tạo nên nguồn vốn xã hội trong bối cảnh nguồn lực tài chính đang bị suy giảm do khủng hoảng dịch bệnh, tạo nên nền tảng để các doanh nghiệp cùng nhau hướng đến một hạ tầng văn hoá trong tương lai.
Bà Thanh cho biết, Deloitte có vaccine 5T: “Thân” – khi dịch bệnh 100% nhân viên làm tại nhà, “Tâm” – được bình an, “Trí” – được phát triển, “Tiền” – có đầy đủ và “Trái tim” – lãnh đạo kiên tâm phải quan tâm tối đa người lao động ở mức có thể. Đặc biệt, bà Thanh nhấn mạnh về Vaccine Tình thân – văn hóa của sự sẻ chia, yêu thương, quan tâm này là cách khiến nhân viên của Deloitte gắn bó, đồng hành, chia sẻ với công ty:
Với Deloitte, đội ngũ nhân viên mà chúng tôi gọi là những Talent là yếu tố trung tâm, là nguồn lực quý giá góp phần tạo nên những giá trị ảnh hưởng tích cực, tạo nên vị thế của doanh nghiệp.
Kiến tạo Hệ sinh thái xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp là một điều quan trọng nhất
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chính phủ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Vì vậy, nếu có cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp phát triển thì văn hoá doanh nghiệp phát triển theo. Ví dụ, nếu chúng ta có cơ chế chính sách tạo điều kiện để xây dựng nơi ở cho người lao động thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển. Việc các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh là vô cùng quan trọng, Chính phủ cần khuyến khích điều này.
Bà Thanh tập trung nhấn mạnh các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng quan hệ làm việc tôn trọng và bình đẳng, trong đó doanh nghiệp là một chủ thể phát triển Kinh tế quan trọng và cơ quan quản lý nhà nước là người hỗ trợ.
Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Hồ Anh Tuấn đề nghị Chính phủ nên có chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm thực hiện; cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam (do doanh nghiệp đóng góp); có cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh.
Trong quá trình thảo luận, tọa đàm cũng tiếp nhận phản hồi và phần đặt câu hỏi từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây là Diễn đàn hết sức quan trọng để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp tọa đàm, trao đổi, thống nhất một cách tiếp cận chung về tiếp biến văn hóa để phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần “khi chúng ta có nhận thức đúng – sẽ có hành động đẹp”.
Con người là yếu tố cốt lõi
Đó cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng trong chiến luộc phát triển bền vững, xây dựng và phát triển riêng văn hoá doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp nói chung. “Bản sắc nhân văn là một trong những đặc điểm chung của đa phần doanh nghiệp đang có văn hoá mạnh hiện nay” – Chủ tịch Talentnet Tiêu Yến Trinh khẳng định.
Bà Trinh cũng nhận định và phân tích 8 điểm nổi bật mà bà đã tìm thấy trong quá trình tham gia thẩm định xét chọn với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thẩm định xét chọn DN đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam tại chính các doanh nghiệp tham gia đạt chuẩn Văn hóa Kinh doanh Việt Nam:
- Định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng
- Các doanh nghiệp đều có bản sắc DNA riêng và đậm chất nhân văn
- Lãnh đạo làm gương, truyền cảm hứng dẫn dắt văn hóa doanh nghiệp
- Chương trình hành động cụ thể, có hệ thống năng lực để thực thi chiến lược văn hóa bền vững
- Vai trò người lao động là trung tâm
- Sáng tạo đột phá và trong Nguy có Cơ
- Có đóng góp xuất sắc cho Chính phủ và người dân trong công tác Phòng, chống dịch Covid
- Hướng tới phát triển bền vững
Searefico tự hào xuất sắc được vinh danh Top 10 Doanh Nghiệp Dẫn Đầu Đạt Chuẩn Văn Hóa Kinh Doanh Việt Nam 2021 tại giải thưởng danh giá mang tầm quốc gia, công nhận các doanh nghiệp nổi bật đáp ứng đủ các tiêu chí trong Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam.
Đạt giải và vào ngay Top 10 Doanh Nghiệp Dẫn Đầu Đạt Chuẩn Văn Hóa Kinh Doanh Việt Nam 2021 ở năm đầu tiên là minh chứng cho thành tích xuất sắc và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban Lãnh đạo và CBCNV Searefico trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Chương trình do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành và qua sự thẩm định của Hội đồng quốc gia trên nguyên tắc Minh bạch – Công tâm – Công bằng nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển bền vững kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh.
Hội đồng thẩm định công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam 2021 gồm các chuyên gia, doanh nhân:
- Bà Tiêu Yến Trinh – Tổng Giám đốc Công CP Kết nối nhân tài – Chủ tịch Hội đồng;
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển TP.HCM, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội – Uỷ viên;
- Ông Phạm Phú Ngọc Trai – Sáng lập/ Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập Toàn cầu – Uỷ viên;
- Ông Võ Quang Huệ – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Uỷ viên;
- Ông Trần Ngọc Châu – Giám đốc đối ngoại Saigon Times Foundation – Uỷ viên.
Doanh nghiệp đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận có giá trị 3 năm, được báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng và Nhà nước.