Trong mỗi tòa nhà, hệ thống cơ điện (M&E) giống như linh hồn của công trình: Nếu bê tông cốt thép là phần cứng, nội thất là áo quần trang điểm thì M&E chính là phần mềm, là yếu tố quan trọng đảm bảo sự an toàn thoải mái và sức khoẻ cho con người.
Nhưng đây cũng là phần phức tạp và nhiều hỏng hóc nhất trong quá trình sử dụng nếu thiết kế không tối ưu và lắp đặt không đúng quy chuẩn, không do các kỹ sư chuyên ngành và nhà thầu chuyên môn thực hiện. Trong bối cảnh ngành Bất động sản đang tạm thời đóng băng và dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, các ngành xây dựng, cơ điện công trình, lạnh công nghiệp, tự động hoá và vật liệu xây dựng là những mảng hoạt động chính của SEAREFICO và các đơn vị thành viên cũng gặp nhiều khó khăn. Tự điều chỉnh, dám thay đổi, chủ động hoá giải để “trong nguy có cơ”… là những kinh nghiệm được Chủ tịch HĐQT Công ty SEAREFICO – một Nhà thầu M&E uy tín hàng đầu ở Việt Nam – chia sẻ để vượt qua giai đoạn “tứ bề nguy nan” như hiện nay.
Bất động sản “tê liệt” ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp
Năm 2019, sự chững lại của ngành Bất động sản có tác động rất lớn đến ngành Xây dựng – Cơ điện: nhiều “đại gia” xây dựng sụt giảm doanh thu lợi nhuận phải cắt bớt nhân sự, không ít công ty bất động sản đứng trên bờ vực phá sản… Chia sẻ với Vietnam Report, ông Lê Tấn Phước – Chủ tịch HĐQT Công ty SEAREFICO nhận định ngành Bất động sản Việt Nam đang “loay hoay bất định trong một môi trường kinh doanh chưa phát triển lành mạnh”.
Một trong những lí do gây trở ngại cho sự phát triển của ngành trong thời gian vừa qua liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án. Ngoài ra, ngành Xây dựng và Bất động sản cũng chịu nhiều rủi ro về chính sách của Nhà nước, bởi cả Chủ đầu tư và Nhà thầu đều phụ thuộc ngân hàng, mà ngân hàng là công cụ điều tiết chính sách quan trọng của Nhà nước – thời gian qua có nhiều thay đổi: lúc kích thích, lúc kiềm chế. Thống kê cũng cho thấy hơn 60% dự án tại những thành phố lớn liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng, hiện đang bị “đóng băng” do hoạt động thanh tra, kiểm tra
“Chu kì kinh doanh có lúc đi xuống rồi đi lên”, ông Phước cho biết, “Lần này, tôi không nghĩ là Bất động sản sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ, nhưng sẽ có một giai đoạn đi xuống. Giai đoạn này ước chừng khoảng 2-3 năm”.
Ông Lê Tấn Phước – Chủ tịch HĐQT SEAREFICO.
Ảnh: Vietnam Report
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT SEAREFICO, mặc dù dự báo về tiềm năng phát triển ngành trong năm 2020 không mấy “sáng sủa”, đây cũng là cơ hội giúp các công ty trong ngành Bất động sản, Xây dựng và Cơ Điện công trình điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của mình theo hướng ngày càng minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Dịch bệnh Corona cũng khiến các doanh nghiệp phải thay đổi cách làm việc linh hoạt, ứng dụng các nền tảng công nghệ như AI/AR, họp hành/ làm việc trực tuyến, số hoá các hoạt động thiết kế – thi công. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.
Phản ứng kịp thời trước sự thay đổi của thị trường, SEAREFICO đã tự điều chỉnh giảm dần tỉ trọng dịch vụ trong hoạt động thi công, nâng cao tỉ trọng sản xuất trên tổng doanh thu sản xuất kinh doanh của Công ty với mục tiêu cân bằng 50/50. Công ty sẽ không tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực dân dụng (như các cao ốc, khách sạn, resort…), mà tập trung làm các dự án EPC, các công trình công nghiệp. “Các dự án nhà máy và bất động sản công nghiệp, tuy quy mô không lớn bằng các cao ốc nhưng thời gian thi công ngắn, Chủ đầu tư có sẵn tiền, lúc nào cũng muốn xong càng sớm càng tốt để đưa dây chuyền vào sản xuất, giải quyết tình trạng ứ đọng đơn đặt hàng”, đại diện của SEAREFICO giải thích, “Theo tôi, đây chính là phân khúc “trong nguy có cơ”, và đây cũng là thế mạnh của SEAREFICO có thể thực hiện trọn gói các nhà máy công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản”.
Hai thách thức lớn của ngành Cơ điện Việt Nam hiện nay
Ngoài những khó khăn chung trên thị trường Bất động sản, theo ông Lê Tấn Phước, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt với hai thách thức lớn:
Thứ nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Chi phí nhân công ở Việt Nam khá cao, do năng suất lao động thấp và kĩ năng quản trị chỉ ở mức độ trung bình thấp, thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao so với thế giới. Hệ thống giáo dục của nước ta chưa chú trọng mục tiêu đào tạo nhà lãnh đạo tương lai ngay từ dưới mái trường phổ thông và đại học. Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, doanh nghiệp hiểu rõ giá trị của nguồn nhân lực, hiện nay SEAREFICO đang tập trung cho chương trình quy hoạch phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa để hướng đến những bước đi xa hơn, mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Thứ hai là tính minh bạch và chuyên nghiệp của môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam thực tế chưa đạt được “độ chín”, chưa lành mạnh, các thể chế chính sách cũng như hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Trong khi thông tin về Bất động sản ở các nước phát triển rất minh bạch, ở Việt Nam vẫn còn nhiều vụ lừa đảo. Để khắc phục điều này, doanh nghiệp rất cần sự can thiệp của Nhà nước trong việc đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp, đồng bộ và tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới.
Ngoài ra, việc nhiều Nhà thầu xây dựng tại Việt Nam lập thêm các công ty con trong mảng Cơ điện để bao thầu luôn phần này đang làm giảm tính chuyên môn hóa và sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành; và điều này cũng khiến cho chất lượng công trình bị ảnh hưởng. Các Tổng thầu xây dựng lớn nay vừa là khách hàng, và cũng là là đối thủ cạnh tranh của các Nhà thầu cơ điện. Việc Nhà thầu xây dựng tham gia đấu thầu luôn các gói cơ điện tạo ra một áp lực rất lớn đến Nhà thầu cơ điện, và cũng tăng thêm rủi ro cho Chủ đầu tư khi “bỏ hết trứng vào một giỏ”, giao công trình cho chủ thầu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Tự điều chỉnh và Dám thay đổi: Kinh nghiệm thành công từ SEAREFICO
Có tên trong danh sách Top 10 Nhà thầu M&E uy tín năm 2019 do Vietnam Report xếp hạng và công bố, SEAREFICO chia sẻ: Kinh nghiệm thành công chính là Tự điều chỉnh và Dám thay đổi.
Trong bối cảnh ngành Bất động sản – Xây dựng đang rơi vào tình trạng “đóng băng”, thay vì tập trung vào các thành phố lớn, SEAREFICO lại điều chỉnh để “sơ tán” về địa phương và các tỉnh thành nhỏ khác; lựa chọn tham gia các dự án dựa trên khả năng tài chính và uy tín của Chủ đầu tư để giảm mức độ rủi ro; đồng thời đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng chuỗi cung ứng nhằm tạo ta một hệ sinh thái kinh doanh bền vững, trong đó các đơn vị thành viên có thể dựa vào nhau và cộng giá trị cho nhau. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy đi bằng nhiều chân giúp Công ty ổn định nguồn thu khi thị trường “lên lên xuống xuống”.
Khi công nghệ phát triển, nếu doanh nghiệp biết nắm bắt ứng dụng sẽ có thể mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều khó khăn thách thức trong việc triển khai. Việc SEAREFICO là một trong những Nhà thầu đầu tiên ứng dụng hệ thống phần mềm ERP (Enterprise Resource Planning), BIM (Building Information Modeling) đã cho thấy tinh thần mạnh dạn dấn thân, đổi mới chính mình và góp phần thay đổi cách làm của ngành Xây dựng Việt Nam nói chung và Cơ điện lạnh nói riêng.
“Trong Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), SEAREFICO không phải là Công ty lớn nhất nhưng liên tiếp 3 năm qua chúng tôi lọt vào Top 50 Doanh nghiệp Việt Nam Xuất sắc nhờ sự tăng trưởng bền vững doanh thu và lợi nhuận, độ tin cậy tín dụng (do các ngân hàng đánh giá), uy tín đối với Khách hàng và Chủ đầu tư” – ông Phước chia sẻ.
Đại diện SEAREFICO nhận giải thưởng Top 50 Doanh nghiệp Việt Nam Xuất sắc năm 2019.
Ảnh: Vietnam Report
Gần đây, cả thế giới thán phục khi chứng kiến bệnh viện dã chiến quy mô lớn ở Vũ Hán được xây trong 10 ngày, và cũng đã có những cao ốc mấy chục tầng được xây trong 1 tháng. Rõ ràng, tương lai ngành Bất động sản – Xây dựng sẽ còn nhiều thay đổi, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đổi mới để có thể bắt kịp xu thế của thời đại.
Vietnam Report (thực hiện)