Nhiều người nói học quản lý rủi ro xong không dám làm chi nữa hết vì nhìn đâu cũng thấy rủi ro, giống như mấy ông bà bác sỹ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, is that right?
Searefico đang tổ chức cho anh em kỹ sư, cán bộ quản lý và các chỉ huy trưởng công trường đi học lớp Quản lý rủi ro dự án Effective Project Risk Management. Anh em được học, mình thì không, cho nên mấy ông bạn già rủ nhau ra một góc café cùng “bàn” và “luận” ra được mấy cái gạch đầu dòng thế này:
—
Quản lý rủi ro để không sợ rủi ro vì trên đời không có zero risk. Ngay cả không làm gì cả cũng có một rủi ro tệ hại đó là suy giảm giá trị bản thân. Quản lý rủi ro để nhìn thấy trước những rủi ro và thử thách đi cùng với cơ hội. Vế sau quan trọng hơn vế trước.
Quản lý rủi ro là nghiên cứu những điều kiện và khả năng hình thành rủi ro trong tương lai và đưa ra những biện pháp hạn chế, hành động phòng ngừa để giảm thiểu cơ hội cho nó xảy ra hoặc khi lỡ nó có xảy ra thì làm thế nào để bớt đau thương nhất có thể.
Quan trọng nhất, quản lý rủi ro là tính trước những tình huống giả định khi rủi ro nào xảy ra thì quy trình xử lý gì, biện pháp nào đã được lập sẵn và sẽ áp dụng giảm thiểu thiệt hại?
Cho nên, trong tất cả các template BP (Business Plan) ta luôn thấy có mục cuối cùng trước khi kết thúc đó là Risk Management. Có cái này thì mới chuyên nghiệp và minh bạch khi anh em là người đề xuất trình bày dự án để cấp trên phê duyệt, hoặc khi muốn ngân hàng cho mình vay vốn.
Ở đâu cũng có risk hết, nên ai cũng phải học để biết mà quản lý nó. Anh em nào mới tinh tươm thì phải học để khỏi bị thiên hạ kêu là “điếc không sợ súng”, suy ra mấy thằng già mình lại càng phải học để biết súng nó bắn loại đạn nào, bắn từ hướng nào mà có cách chống đỡ để khỏi làm “cảm tử quân” oan uổng.
Một người anh em đang ở trong lớp Viber mình câu trích dẫn về Risk Principal thế này: “If you don’t manage risk, it will manage you”. Ngẫm ra thấy hơi “phũ” nhưng lại đúng trăm phần trăm. Làm mà không tiên liệu trước, không có kế hoạch chi hết nghĩa là đã có kế hoạch cho sự thất bại. Kinh Thánh cũng chép rằng “A Man With A Plan Is A Man With Power”. Manage risk có nghĩa là phải nhìn thấy trước rủi ro, lên kế hoạch phòng ngừa, biết cách xử lý khi nó xảy ra, và kiểm soát quá trình thực hiện, etc.
0Ở cương vị là FD (Functinal Director) của công ty mẹ chúng ta cần phải thấy trước khi anh em khác thấy, vì khi các BU (Business Unit) ăn đạn nghĩa là risk của mẹ. Nói cách khác, đầu tiên mẹ phải lập phòng tuyến bảo vệ từ bên trong, đó chính là sự thay đổi trong nhận thức, suy nghĩ từ mẹ đến con, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên…mà chúng ta kỳ vọng thông qua khoá đào tạo hôm nay. Kế đó, mẹ phải thiết kế hệ thống tường thành, giao thông hào và cả lối thoát hiểm…cho các con (như quy trình quản lý rủi ro chẳng hạn). Khi những bức tường thành đầu tiên bên ngoài của các con là đơn vị kinh doanh (BU) bị vỡ, các Functional Departments của công ty mẹ phải ra quân chi viện ngay để ngăn không cho kẻ địch lọt vào “tử cấm thành”.
Có những cái chúng ta không cần phải trải nghiệm để có kinh nghiệm vì cái giá đôi khi quá đắt. Nhưng cũng có nhiều người trải nghiệm mà không rút ra được kinh nghiệm nào. Lại có những người chưa từng trải qua, chưa từng vấp ngã nhưng vẫn rút được kinh nghiệm cho bản thân. Vậy bí quyết ở đây là gì?
Hôm chủ nhật tuần trước tôi tham dự một ngày seminar với Dr. John C. Maxwell là bậc thầy số 1 thế giới về leadership, người đã viết 102 cuốn sách về quản lý lãnh đạo trong đó có 46 cuốn đã được dịch sang tiếng Việt, ổng nói một câu rất đơn giản nhưng chí lý là con người ta chỉ có experience khi có evaluation. Bạn nghĩ gì về câu nói này?
Cho nên việc xây dựng risk database và quy trình quản lý rủi ro chính là công việc đánh giá, đúc kết và truyền lại cho next generations để chúng nó đỡ vất vả. Mình đâu có muốn đám đệ tử và con cháu mình phải trải nghiệm đau đớn có phải không? What is our purpose of life? Mình thấy một trong những giá trị sống của những thằng già như mình là vũ trang cho lớp trẻ những suy nghĩ khôn ngoan, chủ động, người đã dò bước đi trước, đã vấp váp thì góp nhặt những bài học xương máu đem chia sẻ, chỉ đường cho chúng nó tránh hoặc đơn giản là tập trung hết lại vào một trại huấn luyện nền tảng, khai mở đầu óc, chỉ cho công cụ làm chủ bản thân, học xong 3 ngày “vỡ” ra vài cái gạch đầu dòng cho công việc hàng ngày, thế là ổn.
Hãy cứ máu lửa, cứ theo đuổi hoài bão, nắm lấy cơ hội nhưng trước khi dấn bước thì hãy nghĩ và lường trước những đau thương có thể, đừng “lảng” mà nên “quản”, vạch sẵn ra plan A, plan B và khi sau này có đau thương thật thì không phải lúc bắt đầu nghĩ mà đơn giản chỉ là chọn lựa giữa những giải pháp đã nghĩ từ trước ấy. Đó chính là quản lý rủi ro, đơn giản là vậy!
(Tản mạn – Anh Lê Tấn Phước CEO, nhân đợt Đào tạo chủ đề Quản lý rủi ro Dự án)