Kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu ngành xây lắp đang cho thấy những diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên, đang có sự phân hóa giữa các phân khúc và cơ hội không chia đều.
Nghành xây lắp chuẩn bị cho chu kỳ mới
Thống kê các doanh nghiệp xây lắp trên ba sàn HOSE, UPCoM, HNX cho thấy, kết quả kinh doanh quý 3/2024 của ngành xây dựng đang cho thấy sự đột biến mạnh, khi ghi nhận tổng lãi ròng trước thuế ở các doanh nghiệp niêm yết trong ngành lên đến 2,919 tỷ, (mức cao nhất trong 4 năm qua), tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là tăng trưởng lợi nhuận của nhóm xây lắp đã không còn đi chung đường với lĩnh vực bất động sản.
Đây là một diễn biến ngược hoàn toàn so với các đánh giá và kỳ vọng trước đó, vốn nhìn nhận ngành xây dựng không có triển vọng trong quý 3/2024 và cả năm 2024.
Bên cạnh đó, hiệu suất của cổ phiếu xây dựng từ hồi giữa tháng 11 đã cho thấy dấu hiệu vượt trội hơn so với VN-Index. Từ sau khi thị trường tạo đáy, hiệu suất của nhóm này lại tăng mạnh hơn so với chỉ số, dường như phát đi tín hiệu ngành xây lắp sẽ hoàn tất một năm 2024 vượt kỳ vọng.
Ths. Đỗ Thanh Sơn – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng đánh giá kết quả vừa qua của ngành xây lắp là vượt kỳ vọng. Tuy nhiên đang có sự phân hóa cao. Trong đó, nhóm xây lắp dân dụng phục hồi tương đối chậm, do phụ thuộc vào ngành bất động sản và ngành này đang phục hồi chưa quá tích cực. Nhóm xây dựng hạ tầng đang cho thấy những kết quả khá hơn, chủ yếu nhờ động lực giải ngân đầu tư công. Phân khúc xây dựng công nghiệp đang là nhóm đóng góp nhiều nhất, bởi năm nay lượng FDI đổ vào Việt Nam liên tục tăng trưởng cao.
Dự báo tương lai, vị chuyên gia cho rằng Q4/2024 ngành xây lắp sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt. Bởi đây là giai đoạn các dự án đẩy nhanh hoàn thành tiến độ để kịp nghiệm thu và đưa vào hoạt động trong năm 2024 và sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả vượt mong đợi của thị trường. Từ năm 2025, ngành xây dựng có thể sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, với sự trợ lực từ nhiều yếu tố hơn. Hai nhóm cần chú ý là xây lắp công nghiệp và hạ tầng.
“Đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng sẽ là nhóm xây lắp công nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng thi công các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa kho bãi logistics. Bởi thị trường hiện vẫn còn thiếu các sản phẩm này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất kén chọn, thường yêu cầu nhà thầu có trình độ và kinh nghiệm cao, nên cơ hội sẽ không chia đều.
Đối với nhóm xây dựng hạ tầng, đầu tư công sẽ vẫn là điểm nhấn chính. Trong đó, những doanh nghiệp được giao các hạn mục trọng điểm, có năng lực thi công vượt trội, sẽ hưởng lợi, đặc biệt là khi đầu tư công đang được đẩy mạnh như hiện tại. Về dài hạn, đường sắt tốc độ cao sẽ là động lực chính, những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhiều hạn mục nhất sẽ được ưu tiên hơn. Cổ phiếu thuộc 2 nhóm này có thể sẽ nổi trội hơn mặt bằng chung”, Ths. Sơn đánh giá.
Doanh nghiệp xây lắp lạc quan
Trên thực tế ở quy mô cả nước, báo cáo hồi quý 3/2024 của Tổng cục thống kê cho thấy các doanh nghiệp xây lắp dự báo quý 4/2024 khả quan hơn so với quý 3/2024. Đồng thời, tỷ doanh nghiệp gặp những khó khăn trọng yếu tại quý 3 như không có hợp đồng xây mới (giảm 1.9% so với quý trước), giá nguyên vật liệu tăng cao (giảm 2.3% so với quý trước) đều cải thiện so với hồi giữa năm 2024.
Ở cấp vi mô, doanh nghiệp đang chứng kiến sự tích cực, nhưng có sự phân hóa và chuyển dịch trong kinh doanh. Cụ thể, ông Nguyễn Khoa Đăng – Tổng giám đốc CTCP Searefico (HOSE: SRF) chia sẻ, mảng xây lắp dân dụng đến nay vẫn có không ít khó khăn, trong đó khó khăn chủ yếu do thiếu hợp đồng mới, giá nguyên vật liệu tăng cao. Một số nhà thầu đã phải rời ngành. Mặt khác, mảng xây lắp công nghiệp và thương mại thì lại đang có tín hiệu tích cực hơn.
“Do dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục tăng lên, hoạt động thương mại điện tử đang rất sôi động, cùng với đó là dòng khách du lịch trong nước và quốc tế quay trở lại. Thị trường xây lắp phục vụ các lĩnh vực sản xuất và logistics nói chung đang rất sôi động, đặc biệt tại các khu công nghiệp lớn, những địa phương là trung tâm sản xuất cũng như cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Long An. Với mảng xây lắp du lịch, khu vực Phú Quốc, Hội An, Đà Nẵng cũng đang tăng tốc. Dự báo thời gian tới 2 phân khúc xây lắp trên sẽ tiếp tục tích cực, những địa phương trọng điểm về công nghiệp và du lịch sẽ tiếp tục là điểm sáng”, ông Đăng chia sẻ.
Tổng Giám đốc SRF nói thêm, hoạt động xây lắp công nghiệp thường có chu kỳ xây dựng ngắn (6-9 tháng), do các doanh nghiệp cần phải đưa dự án vào sản xuất đúng tiến độ để đảm bảo tỷ suất sinh lời và hoàn vốn. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ bàn giao từ quý 3, để đưa vào sản xuất đảm bảo đáp ứng mùa mua sắm lớn nhất năm quý 4 và Tết.
Với hoạt động xây lắp nghỉ dưỡng cũng tương tự, tại Việt Nam từ tháng 4 trở đi sẽ bước vào mùa mưa, nên các doanh nghiệp xây lắp sẽ cố gắng hoàn thành và bàn giao trong quý 4 để phía các công ty dịch vụ có thể nhanh chóng đáp ứng mùa lễ hội đầu năm. Do đó, quý 4 cũng thường sẽ là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp xây lắp chuyên môn hóa ở 2 mảng này. Riêng năm nay, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể sẽ tích cực đáng kể hơn những năm khó khăn vừa qua.
Nhìn chung, từ phía chuyên gia và doanh nghiệp đều đánh giá tình hình ngành xây lắp đang khởi sắc hơn, nhưng tăng trưởng sẽ có sự phân hóa. Trong đó, nhóm xây lắp công nghiệp và xây lắp hạ tầng sẽ tích cực hơn. Bên cạnh đó, quý 4/2024 sẽ là thời gian tích cực nhất trong cả năm vừa qua. Đồng thời, ngành xây dựng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Cổ phiếu nhóm xây dựng công nghiệp và hạ tầng sẽ có thể nổi bật hơn so với mặt bằng chung ngành.
Hà Kim Thành
Nguồn: Vietstock