Từng định hướng như một nhà thầu cơ điện dân dụng trong suốt thời gian dài, sau khi trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, Searefico đang hồi phục và chuyển đổi, xoay trục sang các lĩnh vực là tương lai, xu thế và thế mạnh của mình như công nghiệp, công nghệ, logistics và xanh hóa…
Những ngày giữa tháng 3, xuất hiện thông tin Chủ tịch HĐQT và hàng loạt lãnh đạo Searefico thông báo muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu. Lần gần nhất, Chủ tịch Lê Tấn Phước mua vào chính cổ phiếu của công ty mình là vào năm 2021 khi tăng tỷ lệ sở hữu lên 2.66% (944,798 cp).
Người viết có dịp gặp gỡ Chủ tịch HĐQT CTCP Searefico (HOSE: SRF) – ông Lê Tấn Phước để tìm hiểu động lực đã thôi thúc ông cũng như ban lãnh đạo của Công ty quyết định gia tăng tỷ lệ sở hữu trong thời điểm này – khi kinh tế còn chưa hồi phục rõ nét và Công ty cũng vừa trải qua giai đoạn “sóng gió”.
“Lâu nay, tôi không mua thêm hay bán đi cổ phiếu Công ty, đôi khi cũng ít quan tâm đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, sau 2 năm COVID-19 và thêm 2 năm sau đó, tôi nhận ra rằng do khó khăn chung của ngành, giá cổ phiếu SRF không phản ánh đúng giá trị thực của Searefico. Lúc này, tôi nhận ra, đầu tư vào đâu cũng không bằng đầu tư vào chính mình, sẽ giúp Công ty có nhiều động lực hơn”, Chủ tịch Lê Tấn Phước giãi bày.
Chủ tịch nhìn nhận, thời gian qua có quá nhiều thay đổi, điều duy nhất làm cho ông tin tưởng chính là từ nội lực Công ty, bởi vì chính ông đã trải qua nhiều bài học. Ông Phước chia sẻ: “Cổ phiếu nào cũng mang cá tính của riêng nó và sẽ song hành với nhà đầu tư cùng cá tính. Cá tính của cổ phiếu chính là văn hóa doanh nghiệp, là định hướng của người chủ. Và với SRF, tôi cảm thấy giống như ‘ngọc trong cát’, không bóng bẩy, tôi chỉ muốn mang câu chuyện có thật đến với nhà đầu tư”.
Lần trở về năm 2009, hơn 8 triệu cp SRF chào sàn HOSE với giá 30,000 đồng/cp và có lúc được giao dịch lên đến giá 130,000 đồng/cp. Thời điểm đó, ông Lê Tấn Phước với cương vị Tổng Giám đốc sở hữu 214,727 cp SRF.
Sau 2 năm COVID-19 và giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản – xây dựng, cổ phiếu SRF chỉ còn quanh mệnh giá, dù trước đó từng có lúc lên đến 21,000 đồng/cp (tháng 3/2021) và giờ đây ở cương vị mới ông Phước muốn nâng số cổ phiếu sở hữu lên gấp 6.5 lần.
Nguồn: VietstockFinance
Năm 1977, Công ty là Xí nghiệp Cơ khí 3/2 được thành lập từ Xưởng cơ khí Phú Lâm với nhiệm vụ sản xuất nước đá, thiết bị, dụng cụ chế biến thủy sản xuất khẩu. Đến năm 1993, Xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Kỹ nghệ lạnh (Searefico) – doanh nghiệp Nhà nước loại 1. Bộ Thủy sản ra quyết định sáp nhập Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh Đà Nẵng (Searee) thuộc Công ty Thủy sản Miền trung (Seaprodex Danang) vào Công ty Kỹ nghệ Lạnh trực thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vào năm 1996.
Khi cổ phần hóa vào năm 1999, CTCP Kỹ nghệ Lạnh ra đời với vốn điều lệ 12 tỷ đồng, tên giao dịch vẫn được giữ nguyên là Searefico.
Sau nhiều lần phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn, Searefico đã nâng vốn điều lệ lên gấp 30 lần ở mức 356 tỷ đồng.
Để có thể hình dung được quá trình tái cấu trúc và chuyển hướng hoạt động của Searefico phải trở về lúc mới hoạt động. Ban đầu, Searefico chuyên về thiết kế, cung cấp, thi công và lắp đặt hệ thống cơ điện (M&E) và lạnh công nghiệp (LCN).
Lúc mới cổ phần hóa, Searefico góp mặt vào 1 trong 3 nhà thầu lớn nhất về dịch vụ cơ điện công trình với khả năng đảm nhận trọn gói từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt và bảo trì các công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong lĩnh vực lạnh công nghiệp, Searefico cung cấp hệ thống cấp đông cho các nhà máy chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm… và nghiên cứu, sản xuất những thiết bị thế hệ mới cho ngành chế biến thủy sản.
Bên cạnh đó, với hệ thống dây chuyền sản xuất panel cách nhiệt theo công nghệ tiên tiến của Châu Âu, Searefico có khả năng cung cấp khoảng 80,000 m2 panel/năm và có khả năng sản xuất những tấm panel cao đến 12 m dùng để xây dựng các kho lạnh quy mô lớn.
Thương hiệu Searefico đã được khẳng định qua hàng loạt các công trình có quy mô lớn, quy mô quốc tế như: Khách sạn Sheraton Sài Gòn, Khách sạn Park Hyatt Sài Gòn, The Nam Hai Resort Đà Nẵng, Trường Đại học Hoàng gia Úc RMIT…).
Sau 3 lần tái cấu trúc và sự chuyên biệt hóa khi các công ty con ra đời giúp Searefico định hình và xoay trục rõ nét từ lĩnh vực dân dụng sang lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao.
Năm 1996 được xem là lần tái cấu trúc đầu tiên sau khi sáp nhập với Searee.
Năm 2005, Searefico tái cấu trúc lần 2 với việc thành lập 4 đơn vị kinh doanh chính là: Khối Cơ điện (M&E), Lạnh công nghiệp, Nhà máy Panel và Searee Đà Nẵng. Dự án tái cấu trúc bộ máy quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi thế cạnh tranh trên thương trường, tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút và động viên cán bộ công nhân viên làm việc tốt hơn trong mô hình tổ chức mới.
Năm 2010, công ty con là Công ty TNHNN MTV Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico) được thành lập với 100% vốn đầu tư từ Searefico và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2017. Arico kế thừa toàn bộ hoạt động lạnh công nghiệp và panel của công ty mẹ.
Năm 2014, Searefico mua 36% vốn điều lệ của CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (HOSE: HUB) và trở thành công ty liên kết của Searefico.
Năm 2018, CTCP Cơ điện lạnh Searee và CTCP Greenpan được thành lập. Greenpan gây dấu ấn với dây chuyền sản xuất Panel PIR Greenpan hiện đại nhất Châu Á đi vào hoạt động từ tháng 4/2020.
Tái cấu trúc lần thứ 3 vào năm 2019, đánh dấu bước chuyển giao thế hệ thành công và chuyển đổi hoạt động sang mô hình Holding Company.
Đến nay, Searefico có 6 công ty thành viên đang hoạt động trong hệ sinh thái gắn kết để tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên và nguồn lực: CTCP Kỹ thuật và Xây dựng Searefico (Searefico E&C), CTCP Cơ Điện Lạnh Đà nẵng (Searee), CTCP Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico), CTCP Greenpan (Greenpan), CTCP Phoenix Energy & Automation (Phoenix) và CTCP Bất động sản Seareal (Seareal).
Nguồn: Searefico
Sau thời gian bước chân lên sàn chứng khoán, cũng như khẳng định được uy tín và thương hiệu của mình, năm 2013, Searefico ký kết hợp tác chiến lược với Taisei Oncho – Top 3 Nhà thầu M&E lớn nhất Nhật Bản. Taisei Oncho cũng trở thành cổ đông chiến lược của Searefico với tỷ lệ sở hữu 20%. Trong HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 của Searefico cũng có sự tham gia của đại diện cho Taisei Oncho.
Lúc ký kết, Chủ tịch Lê Tấn Phước (thời điểm đó là Tổng Giám đốc) từng chia sẻ, sự tham gia của đối tác chiến lược Nhật Bản hỗ trợ Searefico mở rộng lĩnh vực kinh doanh ra nước ngoài bao gồm những quốc gia như Campuchia, Lào, Myanmar và Ấn Độ. Taisei Oncho còn hỗ trợ kỹ thuật và tiếp thị để Searefico tiếp cận được các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam, tối đa hóa cơ hội thắng thầu cho các gói M&E cũng như các dự án chìa khoá trao tay.
Đến năm 2019, một cổ đông ngoại cũng đến từ Nhật Bản khác là Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Sanyo Việt Nam trở thành cổ đông lớn của Searefico với tỷ lệ 21.16%.
Sau nhiều năm thay đổi cơ cấu, hiện Searefico có 4 cổ đông lớn gồm: Taisei Oncho (25.5%), Sanyo Việt Nam (20.1%), Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (12.84%) và bà Nguyễn Thị Hồng (5.22%) – vợ Thành viên HĐQT Nguyễn Hữu Thịnh.
Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch Lê Tấn Phước vừa hé lộ, Searefico đang trao đổi với các đối tác nước ngoài để thoái bớt vốn tại Arico. Chủ tịch thông tin, ngoài 3 đối tác Nhật Bản đã ngỏ ý từ trước, hiện đang có 11 nhà đầu tư đến từ nước ngoài như Bỉ, Thụy Điển, Hàn Quốc, và Trung Quốc… quan tâm đến Arico. Ngoài ra, dù không trực tiếp tham gia, nhưng Arico cũng có ủy thác cho công ty tư vấn tham gia các hội nghị M&A để giới thiệu cho thị trường châu Âu. Trong tháng tới, Công ty sẽ gặp 2-3 nhà đầu tư.
Chủ tịch HĐQT Searefico cho biết, định hướng trong thời gian tới sẽ thoái bớt cổ phần của Searefico tại các công ty con. Với hệ sinh thái đang có 6 công ty con và liên kết, trong tương lai có thể sẽ tách ra thêm các lĩnh vực hậu cần logistics, kiểm toán năng lượng…
Nguồn: Searefico
Tốc độ tăng trưởng kinh tế là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mọi ngành nghề nói chung, và lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Searefico nói riêng (cơ điện công trình và lạnh công nghiệp).
Kể từ khi niêm yết đến nay, Searefico có thể nói là đã trải qua đủ 2 cuộc khủng hoảng kinh tế: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 và khủng hoảng hậu COVID-19.
Sau khi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008, kết quả kinh doanh của Công ty gần như đi ngang trong suốt giai đoạn 2006-2013 và bật tăng lên từ 2013-2016. Năm 2015 đánh dấu mốc doanh thu của SRF lần đầu tiên vượt mốc 1,000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công trình xây dựng và lắp đặt chiếm 1,040 tỷ đồng trên 1,044 tỷ doanh thu thuần.
Sau khi vượt mốc 1,000 tỷ đồng, doanh thu của Searefico tăng trưởng liên tục trong suốt giai đoạn 2009-2020 với tốc độ bình quân 15%. Thậm chí một số năm còn ghi nhận tăng trưởng hai con số, như năm 2010 (+30%), năm 2014 +(48%), năm 2020 (+20%). Sau khi dịch COVID-19 ập đến cùng với hàng loạt sự kiện kéo lùi nền kinh tế, doanh thu cũng theo đà tuột dốc đến năm 2022 mới bắt đầu hồi phục trở lại.
Sau dịch, 2022 là năm thị trường bất động sản có nhiều biến động, đi kèm với chính sách tiền tệ thắt chặt, áp lực lạm phát đè lên áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn. Tất cả những điều này làm cho kênh huy động vốn của chủ đầu tư bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và thanh toán cho nhà thầu. Searefico cố gắng thực hiện dự án đúng tiến độ, đẩy nhanh thanh toán cho chủ đầu tư, do đó 2022 doanh thu của cả Công ty tăng hơn 27% so với năm 2021. Trong năm, Searefico tập trung xử lý nợ tồn đọng của các năm trước, đánh giá xử lý hàng tồn kho, đánh giá lại các khoản phải thu, do đó đây là năm đầu tiên Công ty không có lợi nhuận, với khoản lỗ sau thuế 141 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Searefico báo lỗ kể từ khi thành lập.
Năm 2023, thị trường bất động sản càng tồi tệ hơn, nhiều nhà đầu tư và chủ đầu tư buộc phải giảm giá sản phẩm, thậm chí là chấp nhận mức chiết khấu cao để kích cầu bán hàng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô, giải thể công ty, nhiều công ty lớn cũng phải cắt giảm từ 50% đến 75% nhân sự. Thêm vào đó, áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn, thiếu hụt dòng tiền làm ảnh hưởng đến triển khai dự án và thanh toán cho nhà thầu của chủ đầu tư. Searefico nỗ lực thực hiện dự án đúng tiến độ, đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán với chủ đầu tư, xử lý nợ tồn đọng, trích lập dự phòng một số khoản đầu tư theo chuẩn mực kế toán và quy định chế độ kế toán hiện hành. Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 7.78 tỷ đồng – một bước tiến đáng kể so với khoản lỗ của năm trước.
Có thể nói 2023 là năm Searefico “vượt bão” thành công, Chủ tịch Lê Tấn Phước trần tình: “Năm 2023, Searefico đặt ra kế hoạch đầu năm với kỳ vọng tươi sáng hơn năm 2022, không ai nghĩ tiếp tục là một năm khó khăn như vậy. Có 3 lý do chính giúp cho Công ty có thể vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.
Đầu tiên, nhờ văn hóa doanh nghiệp và nội tại gắn kết của các thành viên. Dù tinh gọn bộ máy tổ chức và hoạt động từ hơn 1,000 người xuống chỉ còn hơn 600 nhân dự, nhưng năng suất lao động và doanh thu bình quân tăng gấp đôi.
Thứ hai, nhờ tăng cường tiết kiệm chi phí. Khoản thoái vốn ở CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (HUB) cũng cho thấy hiệu quả trong việc tái cấu trúc tài chính và mang về cho Công ty khoảng 200 tỷ đồng – nguồn tiền dùng hỗ trợ cho các công ty con vay, trong thời gian tín dụng ngân gặp khó khăn.
Cuối cùng là chuyển đổi và xoay trục. Searefico không ngừng cải tổ, xoay trục sang lĩnh vực công nghiệp – công nghệ, bất động sản công nghiệp và hậu cần logistics.
Nhờ kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tối ưu hóa nguồn nhân lực, SRF đã kết thúc một năm 2023 với tất cả các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động đều tăng so với năm trước. Có thể nói Công ty đã thành công vượt bão – dù với mức lợi nhuận khiêm tốn không như kỳ vọng ban đầu do những yếu tố bất định và bất khả kháng – nhưng tất cả các đơn vị thành viên đều có lãi, trả lương đúng hạn, thực hiện đầy đủ bảo hiểm xã hội, y tế; chế độ phúc lợi với mức thu nhập bình quân tăng hơn 3% so với năm 2022; có thể nhìn nhận đây là sự khác biệt so với một số doanh nghiệp khác cùng ngành”.
Chủ tịch hé lộ thêm, với những gì đã diễn ra đầu năm 2024, ông tự tin mọi thứ đang dần trở lại: “Bây giờ, dòng tiền ở một số dự án bắt đầu dương trở lại, cho nên đến bây mọi thứ tươi sáng hơn năm trước. Trong 3 tháng qua, doanh thu trúng thầu đã hơn 1,000 tỷ đồng và tập trung vào những lĩnh vực chuyển dịch Công ty mong muốn”.
Với việc cải tổ lại bộ máy tái cấu trúc, và tối ưu hóa chi phí, bây giờ hiệu quả cao hơn trước đây. Do đó, năm 2024, Công ty đặt kế hoạch doanh số hợp đồng 2,200 tỷ đồng (+96%), doanh thu thuần 2,000 tỷ đồng (+23%) và 28 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (gấp 5.6 lần).
Về động lực thôi thúc Searefico phải chuyển hướng và xoay trục, Chủ tịch Lê Tấn Phước chia sẻ: “Thế mạnh trước đây của Công ty là M&E cơ điện công trình, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… lĩnh vực này hiện tại có nhiều công ty đã làm được và sức cạnh tranh cao, nếu vẫn tiếp tục tập trung vào một lĩnh vực như vậy sẽ kéo biên lãi gộp đi xuống. Thêm vào đó, tình hình kinh tế hiện nay đang đứng trước các khó khăn và không thể biết được sắp tới có xuất hiện thêm yếu tố thách thức nào khác. Do đó, bắt buộc chúng ta phải chuyển đổi”.
Từ trước dịch COVID-19, Searefico đã định hướng không còn là nhà thầu với doanh thu trọng yếu nằm ở mảng nhà thầu cơ điện như trước. Kế hoạch dài hơi đến năm 2025, Searefico sẽ tăng tỷ trọng doanh thu sản xuất lên 50%. Công ty sẽ tối ưu hóa lại bộ máy, bên cạnh hoạt động truyền thống như trước đây M&E dân dụng sẽ chuyển đổi sang M&E công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Ở lĩnh vực truyền thống, vẫn sẽ là M&E nhưng không tập trung nhiều vào dân dụng mà chuyển sang công nghiệp, chủ yếu làm cho các nhà máy vì hiện tại các nhà máy yêu cầu kỹ thuật cao, không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Vừa qua, Searefico cũng trúng thầu nhà máy như Logos, Tetra Pak…. không phải đơn vị nào cũng làm được.
Thứ hai, Searefico cũng tập trung và M&E công nghệ cao như bệnh viện, phòng sạch trong lĩnh vực y tế, sinh học, chế tạo linh kiện bán dẫn… Đây là những lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao, rất ít đơn vị có thể thực hiện được.
Thứ ba, tăng cường vào M&E xanh, các vật liệu tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu không phá hủy tầng ozone, không làm tăng phát thải khí CO2. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia những công ước bảo vệ môi trường, nếu giảm phát thải CO2 sau này sẽ có dư địa để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Đó là những yếu tố thúc đẩy công trình xanh được đầu tư nhiều hơn.
Ngày 29/03/2024, Searefico khánh thành tổng kho logistics tại Đà Nẵng. Đây cũng là một trong những bước đệm chuyển đổi sang lĩnh vực hậu cần logistics và bất động sản khu công nghiệp. “Tôi thấy bất động sản công nghiệp mới là tương lai, chứ không phải dân dụng”, ông Phước cảm thán.
Trước đây, nhà máy ở Searee phục vụ cho công tác mảng cơ điện, bây giờ sẽ được chuyển đổi công năng, đưa toàn bộ nhà máy này chuyển thành nhà kho cho thuê. Tổng kho có diện tích khá lớn, hiện tại đã có người thuê và khi Cảng Liên Chiểu được đưa vào khai thác, dịch vụ hậu cần logistics tại đây sẽ rất tiềm năng với tốc độ đô thị hóa nhanh của Đà Nẵng và đã lan sang khu vực Hòa Khánh.
Bên cạnh đó, Searefico từng ký thỏa thuận với Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Long An) và Hải Phòng để xây dựng các kho lạnh, kho thông minh. Tuy nhiên, sau khi ký kết xong thì dịch COVID-19 xuất hiện do đó các dự án này tạm dừng lại.
Ngoài ra, Searefico sẽ chuyển đổi một phần đất tại Khu công nghiệp Tân Tạo thành hệ thống kho logistics cho thuê ecomerce.